BỆNH GOUT – MỘT DẠNG VIÊM KHỚP ĐAU ĐỚN
-
Người viết: Nikko Pharma
/
Hiện nay, bệnh gout đang trở nên phổ biến hơn và ngày càng trẻ hóa, vì vậy, việc hiểu rõ về bệnh, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa từ sớm là vô cùng quan trọng. Hãy cùng Nikko Pharma tìm hiểu chi tiết về bệnh gout trong bài viết này nhé.
Bệnh Gout là gì?
Bệnh Gout hay còn gọi là Gút, hoặc dân gian hay gọi là Thống Phong, là một loại viêm khớp phổ biến. Người bệnh thường trải qua những cơn đau đột ngột và khắc nghiệt ở các khớp như ngón chân, ngón tay, hay đầu gối. Triệu chứng thường kèm theo sưng to, đỏ rát, và đôi khi ngay cả việc di chuyển cũng trở nên khó khăn do sự đau đớn.
Viêm khớp là một vấn đề sức khỏe phổ biến, và thực tế có khoảng 35% dân số phải đối mặt với căn bệnh này. Đó là một trạng thái khi một hoặc nhiều khớp xương bị viêm do kích thích bởi vi tinh thể. Gút là một loại viêm khớp đặc biệt, thường tái phát theo đợt và thường xuyên gây ra những cơn viêm khớp cấp tính.
Trong thời đại hiện đại, quan niệm rằng Gout là "bệnh của người giàu" đã bị phá bỏ, và bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến nam giới mà còn ngày càng phổ biến trong số phụ nữ, đặc biệt là ở nhóm phụ nữ đã mãn kinh. Đồng thời, lối sống hiện đại, chế độ ăn uống không cân đối đã khiến căn bệnh này lan rộng và ảnh hưởng đến người trẻ tuổi hơn.
Cũng cần lưu ý rằng bênh Gout chỉ xảy ra khi tình trạng tăng axit uric máu gây hậu quả xấu cho cơ thể. Các đợt viêm khớp Gout cấp thường không kéo dài, không xảy ra thường xuyên và rất dễ chữa. Tuy nhiên nó luôn là nỗi kinh hoàng cho những quý ông mắc phải căn bệnh này. Nếu không được điều trị đúng cách bệnh sẽ để lại nhiều hậu quả lâu dài như viêm nhiều khớp, xuất hiện nhiều u cục quanh khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, tàn phế, sỏi hệ tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận và nguy hiểm hơn cả là suy chức năng thận. Điều này giải thích cho việc sụt giảm tuổi thọ của người bệnh.
Triệu chứng của bệnh Gout là gì?
Trong giai đoạn đầu, một số người có nồng độ acid uric trong máu tăng cao, tuy nhiên, họ chưa phát triển triệu chứng cụ thể, được gọi là tăng acid uric máu. Theo thời gian, khi mức độ này tăng đáng kể mà không giảm, sẽ dẫn đến tích tụ các tinh thể urate và gây ra các cơn đau khớp. Triệu chứng của bệnh Gout thường xuất hiện một cách đột ngột, đau đớn và thường xảy ra vào ban đêm. Bạn có thể nhận biết mình mắc bệnh qua những dấu hiệu sau:
Đau khớp cấp tính: Triệu chứng đau thường xuất hiện ở các khớp như ngón cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay và khuỷu tay. Các khớp ở háng, vai và vùng chậu thường ít bị ảnh hưởng hơn. Cơn đau thường đạt đỉnh trong vòng 4 đến 12 giờ sau khi bắt đầu.
Đau âm ỉ và kéo dài: Sau cơn đau cấp tính, bệnh nhân thường trải qua cảm giác đau âm ỉ kéo dài trong thời gian sau đó, có thể kéo dài vài ngày hoặc thậm chí vài tuần, và cường độ của nó có thể tăng so với lần trước.
Viêm nhiễm và sưng đỏ: Các khớp bị ảnh hưởng thường sưng to, mềm mại, đỏ, và nóng hơn so với phần còn lại của cơ thể.
Hạn chế phạm vi hoạt động của khớp: Khi bệnh Gout phát triển, bạn có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển khớp bình thường.
Nguyên nhân gây ra Gout là gì?
Mức axit uric trong máu được bảo dưỡng ở mức ổn định bình thường, là khoảng 210 - 420 umol/L cho nam giới và 150 - 350 umol/L cho nữ giới. Sự cộng hưởng của nhiều yếu tố có thể dẫn đến bệnh Gout, bao gồm sự không hiệu quả trong quá trình loại bỏ axit uric qua thận hoặc sản xuất quá mức axit uric trong cơ thể. (2)
Các tinh thể urate thừa có thể tích tụ trong các khớp trong nhiều năm mà không gây ra triệu chứng. Những tinh thể này có cấu trúc nhỏ, cứng, và sắc nhọn, có thể va chạm với niêm mạc của các màng bao khớp, gây sưng to, đau đớn, và viêm nhiễm. Khi điều này xảy ra, sẽ dẫn đến những cuộc Gout cấp.
Purine, một hợp chất tự nhiên có trong nhiều thực phẩm, có sự hiện diện ở mức độ khác nhau trong từng loại thực phẩm. Đặc biệt, nhóm thịt, cá, và hải sản thường có hàm lượng purine cao. Khi ta tiêu hóa purine, cơ thể tạo ra một chất được gọi là axit uric, và việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu purine đồng nghĩa với việc sản xuất axit uric dư thừa.
Nguyên nhân nguyên phát gây ra Gout
Đây là nguyên nhân chiếm đa số các trường hợp, Gout thường liên quan đến các yếu tố di truyền hoặc cơ địa. Người mắc Gout nguyên phát thường có một quá trình tổng hợp purine nội sinh mà làm tăng nồng độ axit uric trong máu vượt quá mức bình thường. Bệnh thường phổ biến ở nam giới trên 40 tuổi, thường xuyên có lối sống và thói quen ăn uống không lành mạnh.
Nguyên nhân thứ phát gây ra Gout
Đây là trạng thái tăng axit uric trong máu do một số bệnh lý hoặc nguyên nhân bổ sung, chẳng hạn như bệnh lý máu như bệnh đa hồng cầu, bệnh bạch cầu bào tử, bệnh Hodgkin, sưng hạch, bệnh tủy xương, hoặc việc sử dụng thuốc khi điều trị bệnh ác tính.
Những ai dễ bị Gout?
Xét về độ tuổi, đa số người mắc bệnh Gout đều là người lớn tuổi từ 40 trở đi, trong đó có 95% bệnh nhân là nam giới mập mạp, dư thừa dinh dưỡng. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh thấp hơn, thường là trên 60 tuổi. Dưới đây là danh sách những đối tượng có nguy cơ bị Gout cao:
- Người thừa cân béo phì
- Người người mắc các chứng bệnh như xơ vữa động mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ, tiểu đường, rối loạn lipid máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh mạch não
- Người có chế độ ăn nhiều đạm và hải sản.
- Người uống nhiều bia trong thời gian dài.
- Người có tiền sử gia đình với người từng mắc bệnh Gout.
- Người gần đây bị chấn thương hoặc phẫu thuật.
- Người tăng cân quá nhanh.
- Người tăng huyết áp.
- Người có vấn đề chức năng thận không bình thường.
- Người sử dụng một số loại thuốc có thể làm tăng axit uric trong cơ thể, như Aspirin, thuốc lợi tiểu, thuốc hóa trị liệu, và các loại thuốc có thể làm suy giảm hệ miễn dịch như cyclosporine.
Một số biến chứng của bệnh Gout
Biến chứng của bệnh Gout có thể biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào mức độ và tần suất của các đợt bùng phát. Một số người có thể chịu đựng một cuộc tấn công bệnh chỉ một vài lần trong vài năm, trong khi người khác có thể phải đối mặt với bệnh mỗi vài tháng một lần.
Nếu không được điều trị kịp thời hoặc nếu chưa áp dụng phương pháp điều trị thích hợp, nguy cơ tái phát bệnh Gout và tác động của nó có thể tăng lên. Nồng độ acid uric cao và không được kiểm soát trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nguy hiểm như:
- Sỏi thận: Khoảng 20% bệnh nhân Gout phát triển sỏi thận, do sự tích tụ của tinh thể urate và calci trong thận. Điều này có thể gây ra suy giảm chức năng thận, tạo điều kiện cho tắc nghẽn niệu đạo và nguy cơ nhiễm trùng.
- Giảm chức năng lọc của cầu thận.
- Tăng nguy cơ bệnh tim thiếu máu, đặc biệt ở những người mắc bệnh Gout nặng.
- Nguy cơ hoại tử khớp và tàn phế: Các tinh thể urate và tophi (các cụm tinh thể urate) có thể gây ra việc phá hủy khớp, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm nhiễm trùng và gây hỏng khớp nếu để lâu.
- Hẹp động mạch: Điều này có thể tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim và các vấn đề tim mạch khác.
- Thoái hóa khớp: Điều này xảy ra khi các tinh thể urate và tophi tích tụ gây tổn thương cho các khớp.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt.
- Vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm.
- Rối loạn cương dương ở nam giới.
Tuy nhiên, nếu bạn thăm khám sớm và được điều trị bằng cách kết hợp phương pháp y tế và cải thiện chế độ ăn uống cũng như lối sống lành mạnh, hầu hết các tổn thương và biến chứng có thể được ngăn chặn hoặc giảm đáng kể.
Bệnh Gout có thể khỏi hoàn toàn không?
Hiện nay, bệnh Gout vẫn chưa có cách chữa trị hoàn toàn, tuy nhiên, có thể kiểm soát và quản lý các triệu chứng đau ở khớp bằng cách duy trì nồng độ acid uric ổn định trong máu. Mục tiêu là ngăn chặn tình trạng tiến triển xấu hơn của bệnh. Người mắc Gout có thể duy trì cuộc sống khỏe mạnh nếu tuân thủ định kỳ kiểm tra sức khỏe và làm theo phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định, kết hợp với chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.
Cách phòng ngừa bệnh Gout
Cách phòng ngừa bệnh Gout hiệu quả nhất là chú ý đến chế độ ăn và sinh hoạt, nếu gia đình có người từng bị Gout, bạn nên thực hiện các xét nghiệm thăm khám định kỳ bên cạnh đó cần chú ý:
- Kiểm soát cân nặng: Cân nặng có ảnh hưởng đến tiến triển của bệnh, cân nặng hợp lý giúp giảm tình trạng tăng acid uric và giảm sức ép lên các khớp.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều purine là ưu tiên hàng đầu, bên cạnh đó cần bổ sung đủ nước và chất xơ cũng như nguồn protein từ đậu, trứng, sữa và hạn chế bia, rượu mạnh, các loại nước có gas.
- Lối sống lành mạnh: Tập thể dục và tham gia các hoạt động ngoài trời là một việc lý tưởng để nâng cao sức khỏe bản thân, tránh làm việc với cường độ cao gây áp lực cho sức khỏe. Mặt khác, chủ động khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh và điều trị bệnh Gout sớm.
Hi vọng với các thông tin trên, bạn đã hiểu thêm về bệnh Gout với các triệu chứng, nguyên nhân, biến chứng và cách thức phòng ngừa. Nhìn chung, việc chữa khỏi hoàn toàn Gout là khó, nhưng nó ngày càng trở thành một bệnh phổ biến trong xã hội và có pháp đồ điều trị rõ ràng. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh Gout kể trên thì việc thăm khám tại bệnh viện càng sớm càng tốt là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc duy trì một chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là hết sức cần thiết để phòng tránh, cũng như “sống chung” với Gout.
Viết bình luận