10 CÂY THUỐC ĐÔNG Y NỔI TIẾNG TRONG ĐIỀU TRỊ BỆNH XƯƠNG KHỚP
-
Người viết: Nikko Pharma
/
Điều trị xương khớp từ thảo dược tự nhiên là một trong những biện pháp lâu đời và hiệu quả cho người bệnh. Tuy nhiên, trong dân gian có rất nhiều loại cây đang được dùng trong chữa bệnh xương khớp và mỗi loại có cơ chế tác động và hiệu quả khác nhau. Trong bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về 10 cây thuốc Đông y nổi tiếng nhất trong điều trị bệnh xương khớp.
1. Độc Hoạt (Angelicae Pubescentis)
Độc hoạt có tên khoa học là Angelicae Pubescentis. Tại Việt Nam, cây thuốc độc hoạt hay còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như khương thanh, độc diêu thảo, trường sinh thảo,... là một loại cây sống lâu năm và là một vị thuốc quý hiện nay đã được trồng vùng núi ở Lào Cai, Lai Châu, với bộ phận chính được sử dụng làm thuốc đó là thân và rễ cây.
Về thành phần hoá học của Độc hoạt, nhiều hợp chất hóa học, bao gồm coumarin, polyene-alkynes, axit phenolic, steroid, các nguyên tố nucleoside và các chất khác đã được phân lập và xác định từ A. biserrata và A. pubescens.
Theo y học cổ truyền, Độc hoạt có công dụng trừ phong thấp giảm đau. Chủ trị chứng đau sưng xương khớp, tê cứng, co quắp, đau đầu, cảm do nhiễm lạnh, nhiễm nước. Vị thuốc Độc hoạt này có tác dụng mạnh ở các khớp xương phía thân dưới. Bài thuốc y học cổ truyền nổi tiếng nhất sử dụng Độc hoạt trong điều trị xương khớp là “Độc hoạt tang ký sinh” do Danh y Tôn Tư Mạo lập ra, trong đó Độc hoạt và Tang ký sinh là vị quân. Bài thuốc có tác dụng trừ phong, hàn, thấp, tư bổ can thận mạnh gân xương. Chủ trị các chứng đau nhức các khớp, thoái hóa khớp, thấp khớp, thận hư gây đau lưng, gối mỏi tai ù, các chứng đau dây thần kinh ngoại biên.
Nghiên cứu về các hoạt động dược lý hiện đại cũng chỉ ra rằng Độc hoạt có tác dụng tích cực như một chất giảm đau và chống viêm, rất quan trọng đối với các chiến lược điều trị viêm khớp dạng thấp. Các chức năng được báo cáo khác của dược liệu bao gồm tác động cải thiện hoạt động hệ thần kinh trung ương, điều hòa hoạt động của tim mạch.
2. Đương Quy (Angelica Sinensis)
Đương quy còn có tên gọi là bạch chỉ Trung Quốc là một loại cây cỏ thơm, sống lâu năm, phát triển mạnh ở vùng núi cao trong điều kiện lạnh và ẩm ướt như ở các ngọn núi của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc cung cấp.
Đương quy có chứa nhiều tinh dầu (0.02%) và các loại vitamin như: vitamin B12, vitamin nhóm B, vitamin E, vitamin A rất tốt cho sức khỏe. Trong đó, vitamin B12 đóng vai trò trong các hoạt động của các tế bào xương, hình thành xương và sản xuất tế bào máu đỏ, tất cả đều ảnh hưởng sức khỏe của xương.
Theo y học cổ truyền, Đương quy là vị thuốc hàng đầu trong các bài thuốc hoạt huyết, bổ huyết, điều kinh, thông kinh, nhuận tràng, tiêu sưng, dưỡng gân.
Theo y học hiện đại Đương quy có tác dụng chống viêm, tăng miễn dịch cho cơ thể, lợi tiểu, kháng khuẩn. Một số chiết xuất của đương quy được dùng để điều trị các vấn đề liên quan đến trầm cảm, tăng cường sinh lý cho cả nam và nữ, giải độc cơ thể, chống oxy hóa,…
3. Xuyên Khung (Ligusticum Wallichii)
Xuyên khung có tên khoa học là Ligusticum Wallichii. Tại Việt Nam, xuyên khung được gọi với nhiều tên gọi khác nhau như dược cần, tây khung, khung cùng, giả mạc gia, xà ty thảo, và được trồng phổ biến ở khu vực khí hậu mát mẻ như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu. Loại dược liệu này cũng được trồng nhiều ở Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal.
Theo Đông y, cây xuyên khung được ghi lại trong cuốn sách có tên Thần Nông Bản Thảo Dược, được biên soạn vào thời nhà Tần hoặc nhà Hán. Xuyên khung có thể thúc đẩy tuần hoàn máu ở phần dưới của cơ thể, lưu thông máu, giảm đau. Bên cạnh đó, các thành phần hoạt chất của Xuyên khung có thể tác dụng lên não, là loại thuốc hàng đầu để điều trị các loại đau đầu như do gió lạnh hoặc gió nóng, phong hàn ẩm thấp, huyết ứ, thiếu máu. Đặc biệt, Xuyên khung có tác dụng đáng chú ý đối với chứng đau khớp do thấp khớp và liệt nửa người vì đột quỵ.
Về thành phần hóa học, hơn 170 hợp chất có đã được phân lập và xác định từ loài xuyên khung. Các thành phần hiệu quả chính được chiết xuất từ cây này (chủ yếu từ thân rễ của nó) là phthalide, terpenes và enol, polysaccharid, alkaloid, axit hữu cơ và este, tinh dầu (EO), axit phenolic, phthalide lacton và các thành phần khác, có tác dụng giãn mạch, chống viêm, chống oxy hóa. Trong số đó, alkaloid tetramethylpyrazine là thành phần hóa học đặc trưng của cây xuyên khung. Nó có tác dụng bảo vệ các tế bào nội mô chống lại tổn thương do tái tưới máu, cải thiện vi tuần hoàn, thúc đẩy lưu lượng máu và loại bỏ máu ứ cũng như ngăn ngừa sự tăng sinh của các tế bào cơ trơn mạch máu.
4. Tang Ký Sinh (Loranthus Parasiticus)
Tang ký sinh là một loài cây thuộc họ tầm gửi. Loài này ký sinh trên cây dâu (tang), được dùng làm thuốc gọi là Tang ký sinh. Theo Đông y, Tang ký sinh có công dụng trị phong thấp, tê mỏi đau nhức, bổ can thận, mạnh gân xương, an thai, xuống sữa.
Theo Đông y, Tang ký sinh có vị đắng, vào Can và Thận. Có công dụng bổ can thận, trừ phong thấp, mạnh gân xương, an thai, lợi sữa. Dùng khi gân cốt nhức mỏi, tê bại, lưng gối đau, động thai đau bụng, phụ nữ sau khi sinh không có sữa. Tang ký sinh thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác thành 1 bài thuốc.
Cho đến nay, các nghiên cứu dược lý đã chứng minh các hoạt tính sinh học quan trọng trong Tang ký sinh. Những nghiên cứu này làm bằng chứng cho việc sử dụng truyền thống của cây như một chất bảo vệ xương khớp, thần kinh, an thần, chống ung thư, điều hòa miễn dịch, thuốc kháng vi rút, thuốc lợi tiểu và thuốc hạ huyết áp. Ngoài ra, các nghiên cứu đã xác định hoạt động chống oxy hóa, chống đột biến, kháng vi-rút, chống độc và chống độc thận.
5. Phòng Phong (Ledebouriella Seseloides)
Phòng phong có tên khoa học là Ledebouriella Seseloides, được gọi bằng một số tên gọi khác như hồi thảo, sơn hoa trà, bỉnh phong,…là một cây thuốc quý sống lâu năm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nghĩa của tên thuốc: Phòng nghĩa là phòng bị, phong nghĩa là gió. Phòng phong là vị thuốc y học cổ truyền chuyên trị các bệnh ngoại cảm do gió.
Theo Đông y, Phòng phong chủ trị: phong nhiệt, ngoại cảm phong hàn, trị 36 chứng phong, tâm phiền, chảy nước mắt sống, băng trung, lậu hạ, mồ hôi trộm, chứng sợ gió, đau đầu, xương khớp nhức mỏi,…
Theo y học hiện đại, chất chiết xuất từ dược liệu Phòng phong có tác dụng hạ nhiệt và giảm đau. Thành phần hóa học chủ yếu của Phòng phong là Mannitol và Phenol. Ngoài ra còn có Xanthotoxin, Phenola Glucosid, tinh dầu, acid hữu cơ, Manitol, Anomalin, Marmesin, Panaxynol Falcarinol, 10-diol, 8-Dien-4, Scopolatin, Falcarindiol, 8E-Heptadeca-1, 6-Diyn-3, Saposhnikovan,... nhờ đó mà Phòng phong có công dụng bao gồm: kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, điều hòa nhiệt độ và được ứng dụng nhiều trong điều trị bệnh xương khớp.
6. Tần giao (Justicia Gendarussa)
Tần giao có tên gọi khác là Tần cửu, Tần qua, Thanh táo, Trường sơn cây, Thuốc trặc, được trồng nhiều ở các tỉnh của Trung Quốc như Quảng Đông, Đông Bắc, ... và một số nước như Ấn Độ, Triều Tiên. Ở Việt Nam, tần giao phân bố rải rác khắp các tỉnh, thường mọc bụi hoang hoặc bãi đất trống.
Theo Đông y, Tần giao có vị đắng, tính mát, có tác dụng khu phong, trừ thấp, tán ứ, tiêu sưng, giảm đau. Vỏ rễ và vỏ thân được dùng làm thuốc chữa đau xương khớp, chân tay tê bại, các vết sưng đau, vàng da, ho, sốt, mụn nhọt, rôm sảy.
Theo y học hiện đại, rễ Tần giao có tác dụng kháng viêm rõ do tác dụng của thành phần Gentianine A. Chiết xuất dược liệu từ Tần giao có tác dụng giảm đau, giải nhiệt, an thần. Ngoài ra, dược liệu này còn có tác dụng tăng đường huyết, hạ huyết áp và ổn định nhịp tim.
7. Vỏ Cây Liễu Trắng (Salix Alba)
Cây liễu trắng, còn được gọi là bạch liễu, có tên khoa học là Salix Alba. Theo y học cổ truyền, vỏ cây liễu được sử dụng trong y học bản địa và dân gian để chữa các chứng đau, viêm và sốt. Thường được bán như một chất bổ sung chế độ ăn, trà thảo dược, hoặc thuốc mỡ tại chỗ.
Theo y học hiện đại, vỏ liễu có chứa Salicin. Hoạt chất salicin có trong vỏ cây liễu được chuyển hóa trong cơ thể thành acid salicylic, ức chế hoạt động của cyclo - oxyase 1 ( COX - 1) và cyclo - oxyase 2 ( COX - 2). Đây là cơ chế tác động tương tự NSAISs (như aspirin) nhắm vào để giảm đau và chống viêm. Vì vậy vỏ cây liễu được dùng để giảm đau: đau đầu, đau cơ, đau bụng kinh, đau lưng, đau gối, viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, gout và viêm cột sống dính khớp. Ngoài ra, chiết xuất vỏ cây liễu trắng còn có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư, độc tế bào, chống đái tháo đường, kháng khuẩn, chống béo phì, bảo vệ thần kinh và bảo vệ gan.
8. Ngưu Tất (Achyranthes Bidentata)
Ngưu tất tên khoa học là Achyranthes Bidentata Blume, còn có tên khác là hoài ngưu tất, cỏ xước hai răng. Ngưu tất có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Trong y học cổ truyền, Ngưu tất có tác dụng bổ can thận, hoạt huyết, điều kinh, trừ ứ, mạnh gân cơ, kích thích tiểu tiện. Dược liệu này thường được dùng trong các bài thuốc chữa bệnh chảy máu dạ con, đau bụng kinh, bế kinh, bí tiểu, phong hàn tê thấp, đau lưng, chân tay tê mỏi...
Theo y học hiện đại, saponin - hợp chất chính được chiết xuất từ Ngưu tất đã được chứng minh là có tác dụng dược lý khác nhau như chống viêm, hạ sốt, chống đau bụng, lợi tiểu và chống loãng xương. Hợp chất này tạo ra sự tăng sinh và biệt hóa trong tế bào mô đệm của tủy xương được xác định bằng các xét nghiệm tăng sinh tế bào và phosphatase kiềm. Ngoài ra, sau quá trình cảm ứng tạo xương, các tế bào được xử lý bằng saponin cho thấy mức độ mRNA của protein-2 di truyền hình thái xương, yếu tố phiên mã liên quan đến runt và osterix tăng lên.
9. Móng Quỷ (Harpagophytum Procumbens)
Cây Móng quỷ có tên khoa học là Harpagophytum procumbens, thuộc họ vừng (Pedaliaceae) và có nguồn gốc từ Nam Phi. Phần rễ cây móng quỷ sau khi phơi khô được sử dụng với mục đích chống viêm và giảm chứng đau. Chiết xuất cây móng quỷ đã từng được sử dụng lâu đời với mục đích trị thấp khớp, giảm chứng thèm ăn, viêm khớp, các chứng viêm khác và các biểu hiện của rối loạn dạ dày.
Theo y học cổ truyền, cây Móng quỷ không có mùi, vị đắng. Tác dụng dụng giúp hỗ trợ trị bệnh viêm khớp, thấp khớp, hỗ trợ trị các chứng đau nhức xương khớp, giúp kháng viêm, giảm đau,..
Trong y học hiện đại, hoạt chất Harpagosides chứa trong Mong quỷ giúp giảm đau ngoại vi ở khớp gối, khớp hông và vùng lưng dưới đối với bệnh nhân Gout, hay các chứng bệnh đau xương khớp khác. Ngoài ra, các nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy cây móng quỷ có đặc tính chống oxy hóa, kháng viêm, giảm đau, chống loãng xương và ức chế cảm giác thèm ăn.
Viện Y tế Quốc gia thuộc Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ đã chứng minh công dụng của cây Móng quỷ trong điều trị bệnh thoái hóa khớp, điều trị bệnh đau lưng và đau cổ, điều trị bệnh gout, bệnh viêm khớp dạng thấp; điều trị chứng đau dạ dày, chứng chán ăn; điều trị mức cholesterol trong máu cao; điều trị chứng đau cơ, điều trị chứng đau nửa đầu; điều trị tổn thương da và các vấn đề về da khác.
10. Củ Nghệ (Zingiberaceae)
Củ nghệ là loại gia vị phổ biến trong ẩm thực và y học cổ truyền, là loại dược liệu phổ biến ở châu Á trong đó có Việt Nam. Không chỉ dùng làm gia vị, dược liệu này còn dùng trong kinh nguyệt không đều, bế kinh, ngực bụng trướng, đau tức, khó thở, sau khi sinh bị ứ huyết, kết cục gây đau bụng, hoặc bị chấn thương phần mềm gây ứ máu, dạ dày viêm loét, ung nhọt, ghẻ lở, phong thấp, tay chân đau nhức, vàng da.
Trong y học hiện đại, rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra các lợi ích to lớn của nghệ đối với sức khỏe con người. Trong đó, dược chất Curcumin chiết xuất từ củ nghệ rất nổi tiếng với đặc tính chống viêm, chống oxy hóa mạnh, rất có lợi cho những người bị viêm khớp dạng thấp. Theo nghiên cứu, Curcumin có thể ngăn chặn một số enzym và cytokine gây viêm. Curcumin còn có lợi đối với các bệnh viêm nhiễm, trầm cảm và ung thư.
Tuy nhiên, hàm lượng Curcumin trong củ nghệ không phải là cao, nó chiếm khoảng 3% trọng lượng củ nghệ. Hơn nữa Curcumin không dễ để hấp thu, vì vậy Curcumin trong nhiều sản phẩm thường được cung cấp dưới dạng Nano Curcumin để tối ưu khả năng hấp thu.
Kết luận
Bệnh xương khớp không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh mà nếu không được điều trị có thể gây những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tàn phế. Đau nhức xương khớp là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng giảm vận động, từ đó gián tiếp gây ra một số bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch do thiếu vận động.
Bên cạnh việc chữa bệnh xương khớp bằng thuốc tây, vật lý trị liệu hay phẫu thuật, nhiều người vẫn tin tưởng lựa chọn cây thuốc y học cổ truyền. Trên đây bài viết đã liệt kê 10 cây thuốc Đông y nổi tiếng hàng đầu trong điều trị bệnh xương khớp.
Mặc dù việc sử dụng các vị thuốc này theo y học cổ truyền có rất nhiều ưu điểm, nhưng sự phát triển của y học hiện đại đã mở rộng phát hiện và chiết xuất được nhiều dược chất có tác động trực tiếp, nhanh và mạnh hơn đến các vấn đề của bệnh lý xương khớp như Glucosamine, Chondroitin, Collagen tuýp II,…Hãy cùng tìm hiểu về công dụng của các thành phần này đối với các bệnh lý xương khớp trong các bài viết khác.
Viết bình luận